Nội dung: |
Thủ tục: Hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai
3.1. Trình tự thực hiện
- Bước 1: Khi bị thiệt hại, các hộ sản xuất phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn, tiến hành thống kê, đánh giá thiệt hại, hoàn thiện hồ sơ gửi trực tiếp lên Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cấp xã để phối hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân cùng cấp giải quyết theo quy định.
- Bước 2: Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã thành lập hội đồng kiểm tra bao gồm: Ủy ban nhân dân cấp xã, cán bộ chuyên môn của huyện, đại diện các tổ chức xã hội, đại diện thôn, bản, tổ dân phố để lập biên bản kiểm tra, xác minh mức độ thiệt hại, nhu cầu hỗ trợ cụ thể của từng hộ sản xuất; tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện.
Đồng thời có sự tham gia, phối hợp của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các cấp ở địa phương trong việc kiểm tra, xác nhận thiệt hại và tổng hợp báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 30 và khoản 2 Điều 31 Luật phòng, chống thiên tai.
- Bước 3: Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, xã tổng hợp thiệt hại đề xuất và báo cáo kết quả thực hiện hỗ trợ thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh theo các mẫu tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 02/2017/NĐ-CP ngày 09/01/2017.
Chậm nhất 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp phải có ý kiến trả lời bằng văn bản hoặc thông báo kết quả giải quyết cho các hộ sản xuất trên các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương.
3.2. Cách thức thực hiện: Nộp hồ sơ trực tiếp.
3.3. Thành phần, số lượng hồ sơ:
a) Thành phần hồ sơ gồm:
- Đơn đề nghị hỗ trợ thiệt hại do dịch bệnh, thiên tai theo các Mẫu số 1, 2, 3, 4 và 5, Bản kê khai sản xuất ban đầu theo Mẫu số 6 tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 02/2017/NĐ-CP ngày 09/01/2017;
- Bảng thống kê thiệt hại do dịch bệnh, thiên tai có xác nhận của thôn, bản, khu dân cư.
b) Số lượng: 01 bộ
3.4.Thời hạn giải quyết: 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.
3.5. Đối tượng thực hiện TTHC: Hộ nông dân, người nuôi trồng thủy sản, diêm dân, chủ trang trại, gia trại, tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất trong lĩnh vực trồng trọt, lâm nghiệp, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và sản xuất muối (sau đây gọi là hộ sản xuất) bị thiệt hại trực tiếp do thiên tai.
3.6. Cơ quan giải quyết TTHC:
- Cơ quan trực tiếp giải quyết: UBND cấp xã; Ban chỉ huy PCTT&TKCN cấp xã.
- Cơ quan phối hợp giải quyết: UBND cấp huyện.
3.7. Kết quả thực hiện TTHC: Quyết định hỗ trợ.
3.8. Phí, lệ phí: Không
3.9. Tên mẫu đơn, tờ khai:
- Đơn đề nghị hỗ trợ thiệt hại do thiên tai theo các Mẫu số 1, 2, 3, 4, 5 tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 02/2017/NĐ-CP ngày 09/01/2017.
- Bản kê khai sản xuất ban đầu theo Mẫu số 6 tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 02/2017/NĐ-CP ngày 09/01/2017.
- Báo cáo kết quả thực hiện hỗ trợ thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh theo các mẫu tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 02/2017/NĐ-CP ngày 09/01/2017.
3.10. Điều kiện thực hiện TTHC:
Các hộ sản xuất bị thiệt hại được xem xét hỗ trợ khi đáp ứng tất cả các điều kiện sau:
(1). Sản xuất không trái với quy hoạch, kế hoạch và hướng dẫn sản xuất nông nghiệp của chính quyền địa phương.
(2). Có đăng ký kê khai ban đầu được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận đối với chăn nuôi tập trung (trang trại, gia trại, tổ hợp tác, hợp tác xã) và nuôi trồng thủy sản (theo Mẫu số 6 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này) hoặc giấy chứng nhận kiểm dịch (nếu có). Các hộ chăn nuôi tập trung kê khai trong thời gian 15 ngày kể từ khi bắt đầu chăn nuôi; trong thời gian 07 ngày làm việc kể từ khi nhận được bản kê khai, Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm kiểm tra, xác nhận vào kê khai. Các hộ nuôi trồng thủy sản thực hiện kê khai và được xác nhận ngay khi thực hiện nuôi trồng.
(3). Thiệt hại xảy ra khi đã thực hiện đầy đủ, kịp thời các biện pháp phòng ngừa, ứng phó với thiên tai, dịch bệnh theo sự hướng dẫn, chỉ đạo của cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương.
(4). Thời điểm xảy ra thiệt hại:
Trong thời gian xảy ra thiên tai trên địa bàn được Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn địa phương xác nhận;
3.11. Căn cứ pháp lý của TTHC.
- Nghị định 02/2017/NĐ-CP ngày 09/01/2017 của Chính phủ “Về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh”. |